-“Bây giờ là thời nào rồi mà chị còn gửi tiền cho ngân hàng. Chỉ có ngân hàng có lời chứ lãi suất chỉ có 6 - 7% thì sao bù lại lạm phát. Tốt nhất là chị nên rút tiền tiết kiệm đầu tư vào bất động sản, nhiều dự án cam kết lợi nhuận gấp đôi con số đó. Chưa kể bất động sản còn tăng giá trong tương lai”.
Lời khẳng định “như đinh đóng cột” của Minh Tú, nhân viên môi giới chuyên bán bất động sản nghỉ dưỡng, khiến khách hàng không khỏi tò mò. Không phải là câu chuyện mới trên thị trường, nhưng cam kết lợi nhuận vẫn là chiêu khá hiệu quả trong việc thu hút khách hàng.
“Tiền gửi tiết kiệm chỉ là gửi tạm trong lúc chờ kênh đầu tư thích hợp thôi. Đợt rồi, ngân hàng lại giảm lãi suất huy động còn chưa đầy 7%/năm. Nếu xét về con số thì hiện có nhiều dự án bất động sản cam kết rất cao so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, con số là 1 chuyện, còn thực tế thì mình phải xem xét chứ không phải dự án nào cam kết lợi nhuận cao là mình cứ lao đầu vào” - chị Hoàng Anh, một nhà đầu tư cá nhân, chia sẻ.
Bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng khách hàng cần cẩn trọng xem xét các yếu tố trước khi quyết định đầu tư |
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc tâm điểm của cuộc đua cam kết lợi nhuận. Cách đây khoảng 1 năm, một số sản phẩm được cam kết mức lợi nhuận 6%/năm thì nay các chủ đầu tư đã đồng loạt đẩy mức cam kết lợi nhuận lên 9 - 10%/năm, thậm chí 12%/năm. Các thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hầu như không có dự án nào nằm ngoài “luật chơi” này.
Lãnh đạo 1 doanh nghiệp khá thành công trong mảng phân phối bất động sản nghỉ dưỡng cho rằng, khi “luật chơi” đã được các ông lớn xác lập thì chuyện các doanh nghiệp nhỏ “ăn theo” là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, khi lợi nhuận bị đẩy lên quá cao thì mức giá bán ra cũng được đẩy lên tương ứng và khách hàng vẫn là người gánh chịu. Thực tế, vẫn có những dự án không cần cam kết lợi nhuận vẫn bán chạy nhờ có những yếu tố cộng hưởng về hạ tầng và tiềm năng tăng giá. Đơn cử như ở thị trường Phan Thiết, các dự án Queen Pearl, Ocean Dunes… là ví dụ điển hình.
Không chỉ phân khúc nghỉ dưỡng, phân khúc căn hộ, Office-tel cũng có nhiều dự án đưa ra chương trình bán hàng kèm cam kết thuê lại. Nếu như trước đây việc cam kết thuê lại này tập trung chủ yếu ở những dự án giá trên dưới 2 tỷ/căn thì nay đã lan rộng đến những dự án giá tầm dưới 1 tỷ/căn. Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Heaven Riverview đưa ra cam kết thuê lại 5 - 7 triệu/tháng cho căn hộ giá từ 800 triệu; City Tower cam kết thuê lại 15 triệu/tháng cho căn hộ giá từ 950 triệu; Xi Grand Court cam kết thuê lại 900 - 1.000 USD cho căn hộ 2 - 3 phòng ngủ…
Theo ông Trần Minh Nhật, Tổng giám đốc Công ty Nhà Thời Đại, việc đưa ra cam kết thuê lại là 1 phần minh chứng cho tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, khách hàng không nên chỉ nhìn vào con số lợi nhuận đưa ra mà phải xem xét uy tín, năng lực của chủ đầu tư để biết khả năng triển khai dự án của họ có tốt không hay chỉ là quảng cáo. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về điều kiện liên quan đến cam kết thuê lại. Chủ đầu tư yêu cầu thiết kế, nội thất theo chuẩn nào, chi phí ra sao… những điều kiện để được thanh toán phần thuê lại như cam kết phải được đưa rõ ràng vào hợp đồng để tránh phát sinh tranh chấp về sau.
“Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là những dự án vừa mang lại dòng tiền cho thuê vừa có khả năng tăng giá nhờ các yếu tố cộng hưởng. Việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận ở mức cao hơn lãi suất huy động và thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng là giải pháp huy động vốn thông minh, vừa có lợi cho khách hàng có nhu cầu thực, vừa có lợi cho chủ đầu tư.
Ngoài yếu tố so sánh con số lợi nhuận các kênh đầu tư, khách hàng cũng cần xem xét nhu cầu thực tế của thị trường cho thuê và thời gian cam kết của chủ đầu tư. Nếu nhu cầu thuê cao, bền vững và thì việc duy trì lợi nhuận sau thời gian cam kết là hoàn toàn khả thi. Còn nếu ở chiều ngược lại thì có thể việc đưa ra con số cam kết chỉ là chiêu quảng cáo câu khách” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lưu ý.
Quốc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét